Trẻ chậm tăng cân do chăm sóc sai cách - Mẹ hối hận khi không biết điều này sớm hơn | Fitolabs
Là bố mẹ, ai cũng muốn con mình phát triển đồng đều cả thể chất lẫn trí tuệ. Tuy nhiên có rất nhiều yếu tố có thể dẫn đến trẻ chậm tăng cân. Trong đó không ít trường hợp do bố mẹ chăm sóc sai cách khiến bé bị chững cân. Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây để tránh những sai lầm này nhé.
I - Một số nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng cân
Cân nặng của trẻ không phải là yếu tố duy nhất để đánh giá sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên nó cũng là một trong những yếu tố quan trọng, phản ánh khả năng hấp thu, chuyển hóa, phân bố chất dinh dưỡng trong cơ thể.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ, đó có thể là nguyên nhân dẫn đến trẻ chậm tăng cân.
Chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp: Chế độ ăn không cung cấp đủ chất dinh dưỡng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến trẻ chậm tăng cân
Thói quen sinh hoạt: Một số thói quen như ít vận động, thức khuya, ngủ không đủ giấc, uống ít nước,... đều có thể khiến cân nặng bị giảm sút
Yếu tố di truyền: Trẻ nhẹ cân có thể do tạng người của trẻ, được quyết định bởi gen di truyền
Trẻ biếng ăn: Trẻ biếng ăn, không nạp đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết gây sút cân
Trẻ gặp hội chứng kém hấp thu: Dù ăn uống đầy đủ chất nhưng trẻ vẫn không tăng cân có thể do hội chứng kém hấp thu. Thường gặp sau khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa hoặc thiếu hụt lợi khuẩn đường ruột.
Môi trường: Môi trường sống không đảm bảo (thiếu ánh sáng, mất vệ sinh, ô nhiễm tiếng ồn…) có thể khiến trẻ mệt mỏi, hay ốm vặt và sút cân
Ngoài các nguyên nhân trên, có rất nhiều trẻ chậm tăng cân do bố mẹ chăm sóc sai cách. Những thói quen tưởng chừng tốt cho con nhưng thực ra lại ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của trẻ.
II - 5 Sai lầm của bố mẹ trong cách chăm sóc khiến trẻ chậm tăng cân
1. Cho trẻ ăn nhiều đồ tẩm bổ nhưng lại khó hấp thu đối với trẻ
Khi con có dấu hiệu chậm tăng cân, nhiều bố mẹ thi nhau mua những món ăn bổ dưỡng về tẩm bổ cho trẻ. Chẳng hạn như: nhân sâm, tam thất, tổ yến,... Tuy nhiên, bố mẹ không biết rằng hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện như người lớn. Những món ăn quá nhiều chất dinh dưỡng có thể gây khó tiêu, đầy chướng bụng, vô tình làm ảnh hưởng tới khả năng tiêu hóa, hấp thu các thực phẩm khác.
Các món ăn bổ dưỡng cần phù hợp với trẻ về tình trạng sức khỏe, độ tuổi, hàm lượng bổ sung. Cần tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng cho trẻ.
2. Không cân đối các nhóm chất dinh dưỡng cho trẻ
Các nhóm chất dinh dưỡng bao gồm: Protein (chất đạm), Lipid (Chất béo), Carbohydrate (Chất bột đường), Vitamin và khoáng chất.
Mỗi nhóm chất đều có một lợi ích riêng đối với sức khỏe của trẻ. Trong chế độ dinh dưỡng của trẻ, mẹ cần cân đối hàm lượng các nhóm chất, lựa chọn thực phẩm đa dạng và dễ tiêu hóa đối với trẻ. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu được điều đó.
Ví dụ, có rất nhiều phụ huynh sợ trẻ không hấp thu được chất béo, nên không cho trẻ ăn những thực phẩm chứa nhiều chất này. Hoặc nhiều bố mẹ sợ các thực phẩm có mùi tanh sẽ làm trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên không bổ sung vào thực đơn cho trẻ. Những nỗi sợ của bố mẹ vô tình khiến cho con bị thiếu chất, thậm chí lại thừa những chất dinh dưỡng khác. Việc không cân đối các nhóm chất khiến cho trẻ khó phát triển toàn diện, dẫn đến chậm tăng cân.
3. Giữ trẻ trong nhà, không cho trẻ ra ngoài vui chơi
Có những bố mẹ sợ con chơi ngoài nắng không tốt cho sức khỏe, dễ bị cảm nắng, mệt mỏi, nên giữ trẻ ở trong nhà. Thay vì được vận động thoải mái, trẻ chủ yếu chỉ tiếp xúc với máy tính điện thoại. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của trẻ cả về thể chất và tâm sinh lý.
Trẻ ra ngoài tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ hấp thu được nhiều vitamin D hơn. Do đó trẻ sẽ phát triển chiều cao, cân nặng tốt hơn. Việc vận động nhiều cũng giúp tiêu hao năng lượng, trẻ sẽ ăn uống ngon miệng và hấp thu tốt hơn. Ngoài ra, vận động giúp sản sinh ra hormon khiến cho tinh thần sảng khoái, vui vẻ hơn.
Ngược lại, trẻ chỉ được vui chơi tại nhà lâu dần sẽ hình thành thói quen lười vận động, giảm đi sự linh hoạt, cơ thể trở nên trì trệ hơn, việc tiêu hóa và hấp thu cũng có thể bị ảnh hưởng.
4. Ép trẻ ăn uống khi mà trẻ không có nhu cầu
Chắc hẳn có rất nhiều người còn giữ quan điểm: Thương con là phải ép cho con ăn thật nhiều, kể cả có phải dùng các biện pháp quát mắng, dọa nạt. Nhưng quan điểm đó là sai lầm hoàn toàn. Trẻ em cũng như người lớn, cũng có nhu cầu tự nhiên, khi đã ăn đủ nhu cầu trẻ sẽ dừng lại. Bố mẹ không nên ép trẻ ăn uống khi trẻ đã cảm thấy đủ no. Điều này khiến trẻ cảm thấy ám ảnh, stress khi ăn uống, dần dần sinh ra cảm giác chán ăn, không hứng thú với bữa ăn, kết quả là trẻ không hấp thu đầy đủ dưỡng chất và chậm tăng cân.
Để trẻ ăn uống không cần ép:
Bố mẹ nên thay đổi những món ăn để giúp trẻ cảm thấy hứng thú hơn.
Giới hạn thời gian ăn uống (thông thường không quá 30 phút cho một bữa ăn), sau thời gian này không nên cho trẻ ăn vặt linh tinh vì sẽ làm mất cảm giác đói tự nhiên của trẻ
Thiết lập bữa phụ tùy theo thể trạng của trẻ, luôn đảm bảo bữa phụ không quá no và phải cách bữa chính ít nhất 2 tiếng
5. Cho trẻ ăn đồ hâm lại nhiều lần
Vì thời gian hạn hẹp, nhiều bố mẹ có thói quen nấu 1 món rồi cho trẻ ăn trong nhiều bữa. Chẳng hạn như nấu cháo cho trẻ vào buổi sáng và hâm đi hâm lại cho trẻ ăn cả ngày. Như thế thức ăn sẽ bị mất đi lượng chất dinh dưỡng vốn có. Bố mẹ nên dành thời gian để nấu từng bữa cho trẻ để đảm bảo đa dạng về mặt dinh dưỡng cũng như giữ được chất lượng của thực phẩm. Để tiết kiệm thời gian, bố mẹ có thể chuẩn bị nguyên phụ liệu trước và bảo quản đúng cách, trước bữa ăn chỉ việc nấu cho trẻ.
Chắc chắn sau khi đọc bài viết trên, nhiều bố mẹ phải giật mình vì những thói quen chăm sóc con hằng ngày của mình lại chưa thực sự phù hợp, dẫn đến trẻ chậm tăng cân, suy dinh dưỡng. Bố mẹ chú ý đừng mắc phải những sai lầm như trên nhé.
Để được hướng dẫn cụ thể những bí quyết chăm sóc trẻ, hãy liên hệ với chuyên gia Nhi khoa của Fitolabs Baby theo Hotline 0928138111 ngay hôm nay.