Biếng ăn tâm lý ở trẻ - Biểu hiện và cách xử trí hiệu quả | Fitolabs
Biếng ăn tâm lý ở trẻ em là khái niệm còn khá mới đối với các bố mẹ. Đây là một dạng biếng ăn do tâm lý, quyết định đến hành vi ăn uống của trẻ. Để hiểu hơn về tình trạng biếng ăn tâm lý ở trẻ, bố mẹ hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.
I - Biếng ăn tâm lý là gì?
Biếng ăn tâm lý hay còn gọi là chán ăn tâm thần (Anorexia Nervosa) là tình trạng ít gặp ở trẻ em, nếu có xảy ra thì đa số gặp ở độ tuổi thanh thiếu niên. Biếng ăn tâm lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành vi ăn uống của trẻ.
Biếng ăn tâm lý ở trẻ là hiện tượng trẻ có suy nghĩ sai lệch, ám ảnh về cân nặng của mình, luôn cho rằng mình thừa cân. Từ đó dẫn đến những hành vi như giảm lượng thức ăn nạp vào hoặc những hành vi khác khiến cho cân nặng ngày một giảm sút.
Trẻ luôn cho rằng mình bị thừa cân mặc dù thực tế không hề như vậy
Có 2 dạng biếng ăn tâm lý:
Loại hạn chế thức ăn nạp vào: Trẻ bị mắc chứng biếng ăn tâm lý loại này thường cố gắng giảm lượng thức ăn hằng ngày một cách quá mức.
Loại tăng loại bỏ thức ăn: Trẻ có thể ăn nhiều hơn mức bình thường, sau đó cố nôn hết lượng thức ăn vừa ăn. Cũng có trẻ sử dụng một lượng lớn thuốc nhuận tràng hoặc các thuốc khác để làm sạch ruột.
II - Nguyên nhân khiến trẻ mắc chứng biếng ăn tâm lý
Biếng ăn tâm lý thường bắt đầu khi trẻ phải thực hiện chế độ ăn kiêng trong một thời gian dài. Dần dần chuyển thành giảm cân cực đoan và không lành mạnh.
Những nguyên nhân khác có thể gây ra biếng ăn tâm lý là:
Thái độ của xã hội đối với ngoại hình: Sự đánh giá, nhận xét về ngoại hình một cách tiêu cực có thể ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của trẻ.
Ảnh hưởng từ gia đình: Sức ép đến từ gia đình đối với việc ăn uống của trẻ như: bắt ép trẻ ăn uống dù trẻ không thích, la mắng, quát tháo khi trẻ có dấu hiệu chán ăn có thể làm tình trạng biếng ăn tâm lý trở nên nghiêm trọng hơn
Di truyền học: Chứng biếng ăn tâm lý có thể di truyền. Khi bố mẹ mắc hội chứng này, cần theo dõi ở con cái để có thể phát hiện và can thiệp sớm.
Sự mất cân bằng hóa học trong não: dẫn đến rối loạn tâm thần
Các vấn đề phát triển: Trẻ phát triển quá nhanh, cũng có thể dẫn đến những bất thường về tâm lý
Những lời nhận xét hay chỉ trích về ngoại hình có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ
Trẻ biếng ăn tâm lý thường bắt nguồn từ gia đình quá cứng nhắc và hay chỉ trích. Cha mẹ có thể can thiệp quá mức vào vấn đề ăn uống của con cái như bắt ép trẻ phải ăn uống theo ý mình. Trẻ biếng ăn tâm lý có thể do chưa trưởng thành về mặt cảm xúc. Chúng thường có xu hướng sống khép mình. Hoặc cũng có thể do vấn đề khác về tâm thần, chẳng hạn như chứng rối loạn lo âu.
III - Biểu hiện của tình trạng biếng ăn tâm lý
Trẻ gặp tình trạng biếng ăn tâm lý thường có dấu hiệu:
Gầy yếu, nhẹ cân
Sợ béo phì, ngay cả khi trẻ đang trong quá trình giảm cân
Có cái nhìn méo mó về cân nặng, hình dáng cơ thể của mình. Chẳng hạn như nghĩ mình thừa cân trong khi cân nặng bình thường
Từ chối duy trì trọng lượng cơ thể bình thường tối thiểu
Ở trẻ em gái, trễ 3 kỳ kinh nguyệt mà không có nguyên nhân nào khác
Hoạt động thể chất nhiều giúp tăng tốc độ giảm cân
Từ chối cảm giác đói
Bị ám ảnh với việc làm đồ ăn
Có những hành vi ăn uống kỳ lạ
Thu mình với xã hội, cáu kỉnh, ủ rũ hoặc chán nản
Những triệu chứng về thể chất do biếng ăn tâm lý liên quan đến suy dinh dưỡng:
Da rất khô (bị mất độ đàn hồi, nếp véo da mất chậm)
Mất nước
Đau bụng
Táo bón
Hôn mê
Chóng mặt
Cực kỳ mệt mỏi
Nhạy cảm với nhiệt độ lạnh
Gầy bất thường
Mọc lông tơ mịn trên cơ thể
Vàng da
Khi trẻ biếng ăn kèm theo những dấu hiệu trên, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác.
IV - Cách chẩn đoán tình trạng biếng ăn tâm lý ở trẻ
Thông thường, trẻ mắc chứng biếng ăn tâm lý thường giấu kín bệnh của mình. Bố mẹ có thể phát hiện khi thấy trẻ đột nhiên ăn ít đi, có dấu hiệu sợ ăn.
Để chẩn đoán chính xác chứng biếng ăn tâm lý cần phải có sự tham gia của bác sĩ tâm lý. Bố mẹ có thể đưa trẻ đi khám tâm lý nếu phát hiện ra dấu hiệu của chứng biếng ăn tâm lý ở trẻ.
Nên đưa trẻ đi khám tâm lý khi cần thiết để được chẩn đoán chính xác chứng biếng ăn tâm lý
V - Cách điều trị biếng ăn tâm lý ở trẻ
Tùy thuộc vào các triệu chứng, độ tuổi và tình trạng sức khỏe chung của trẻ mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Nhưng thông thường, để điều trị biếng ăn tâm lý cần kết hợp giữa:
Liệu pháp cá nhân
Liệu pháp gia đình
Thay đổi hành vi
Phục hồi dinh dưỡng
Thuốc chống trầm cảm, nếu trẻ mắc bệnh trầm cảm
Nằm viện để điều trị suy dinh dưỡng
Biếng ăn kéo dài có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Do đó cần phải phát hiện sớm và điều trị dứt điểm tình trạng này. Bố mẹ là những người đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ phương pháp điều trị nào. Trẻ có thể sẽ phải điều trị tại bệnh viện vì các vấn đề liên quan đến giảm cân và suy dinh dưỡng.
VI - Những biến chứng có thể xảy ra khi trẻ bị biếng ăn tâm lý
Biếng ăn và suy dinh dưỡng có thể gây hại cho hầu hết các hệ thống cơ quan trong cơ thể. Nó thậm chí còn có thể gây tử vong. Biếng ăn tâm lý là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh tâm thần. Hầu hết các trường hợp tử vong đều liên quan đến các biến chứng y khoa. Một số biến chứng có thể xảy ra trên các hệ thống cơ quan sau:
Tim mạch: Tổn thương về tim có thể xảy ra do suy dinh dưỡng hoặc nôn mửa lặp đi lặp lại. Trẻ có thể có hiện tượng rối loạn nhịp tim, huyết áp thấp
Máu: Cứ 3 trẻ biếng ăn có một trẻ có số lượng hồng cầu thấp ( thiếu máu nhẹ). Khoảng một nửa số trẻ em gặp biếng ăn tâm lý có số lượng bạch cầu thấp (giảm bạch cầu)
Đường tiêu hóa: Biếng ăn và sụt cân có thể ảnh hưởng tới nhu động bình thường của ruột. Trong nhiều trường hợp có thể phải dùng thuốc để điều trị biến chứng này.
Thận: Mất nước do chán ăn có thể dẫn đến nước tiểu đậm đặc. Trẻ có thể đi tiểu nhiều hơn do khả năng cô đặc nước tiểu của thận bị suy giảm. Những thay đổi ở thận thường trở lại bình thường khi trẻ trở lại cân nặng bình thường.
Hệ thống nội tiết: Ở các bé gái, mất kinh là một trong những triệu chứng thường gặp ở chứng biếng ăn tâm lý. Nó thường xảy ra khi giảm cân nghiêm trọng và trở lại bình thường khi trẻ phục hồi cân nặng bình thường. Có những trường hợp trẻ bị giảm nồng độ hormon tăng trưởng dẫn đến chậm phát triển.
Xương: Trẻ biếng ăn có nguy cơ bị gãy xương cao hơn. Khi các triệu chứng biếng ăn xảy ra trước khi đạt đến đỉnh cao hình thành xương (thường xảy ra ở nửa sau giai đoạn dậy thì), sẽ có nguy cơ giảm mô xương hoặc mất xương cao hơn. Mật độ xương thường thấp ở các bé gái biếng ăn. Có thể do trẻ không nhận đủ Canxi trong chế độ ăn của mình hoặc kém hấp thu Canxi.
VII - Cách xử trí hiệu quả khi con gặp chứng biếng ăn tâm lý
Bố mẹ nên hiểu rằng biếng ăn tâm lý là một căn bệnh, không phải là một cách lựa chọn lối sống. Đó không phải lỗi của con bạn, vì vậy đừng vội đổ lỗi, trách móc trẻ, sẽ chỉ làm cho mọi chuyện tồi tệ hơn. Thay vào đó, hãy thực hiện một số biện pháp dưới đây:
Nói chuyện với con bạn để lắng nghe quan điểm của trẻ
Bố mẹ hãy luôn làm bạn với con để lắng nghe những tâm sự của trẻ
Tìm đến chuyên gia tâm lý để được tư vấn khi nhận thấy những dấu hiệu biếng ăn tâm lý ở trẻ
Tham gia liệu pháp gia đình khi được chuyên gia đề nghị
Dành sự quan tâm, yêu thương nhiều hơn đến trẻ
Luôn sát sao bên trẻ để có thể can thiệp kịp thời nếu trẻ có biểu hiện tự làm hại bản thân.
Theo dõi những chuyển biến tích cực trong quá trình điều trị biếng ăn tâm lý
Tóm lại, biếng ăn tâm lý là một rối loạn về tâm lý gây ra những hành vi sai lệch trong việc ăn uống. Do đó để điều trị biếng ăn tâm lý, cần phải có quá trình điều chỉnh về tâm lý cho trẻ, không thể cải thiện qua ngày một, ngày hai được. Bố mẹ cần phải kiên nhẫn, bao dung hơn với trẻ.
Để được tư vấn kỹ hơn bởi chuyên gia của Fitolabs, bố mẹ vui lòng liên hệ Hotline 0928.138.111.