Trẻ chậm nói: Nguyên nhân, dấu hiệu và biện pháp can thiệp hiệu quả ? | Fitolabs
Hiện nay, tỉ lệ trẻ chậm nói có xu hướng gia tăng khiến các bố mẹ không khỏi lo lắng. Vậy nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói là gì ? Phải làm gì khi trẻ chậm nói ? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc trên của bố mẹ nhé!
I. Nguyên nhân khiến trẻ chậm nói
Trẻ chậm nói có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng 2 nhóm nguyên nhân chính phải kể đến là:
1. Nguyên nhân thực thể:
• Trẻ bị khiếm khuyết về hình thái các cơ quan phát âm (răng miệng, lưỡi hoặc vòm miệng) như: hở hàm ếch, hở môi, dính thắng lưỡi, phanh lưỡi ngắn...
• Não bộ của trẻ bị tổn thương hoặc gặp khó khăn trong phát triển khu vực đảm nhiệm chức năng ngôn ngữ như: dị tật não bẩm sinh, bại não, di chứng xuất huyết não, viêm màng não, chấn thương sọ não....
• Vấn đề về thính lực: nghe kém bẩm sinh hoặc thứ phát (ảnh hưởng sau viêm tai giữa, viêm ống tai ngoài, màng nhĩ hoặc do sử dụng các thuốc gây độc với tiền đình ốc tai).
• Trẻ mắc bệnh tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ...
2. Nguyên nhân tâm lý, giáo dục:
• Trẻ tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử.
• Bố mẹ bận rộn, không có thời gian dạy dỗ, chăm sóc con cái.
• Gia đình xảy ra biến cố lớn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Trẻ bị sang chấn tâm lý có nguy cơ chậm nói cao
II. Những dấu hiệu ở trẻ chậm nói
Chậm nói ở trẻ có nhiều biểu hiện đa dạng khác nhau, phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển của trẻ. Những mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ được đánh giá dựa vào số từ mà trẻ nói được, hiểu và thực hiện những yêu cầu từ người khác, nhận biết và đọc tên được các sự vật xung quanh....
Khi lo lắng chưa biết con mình có chậm nói hay không, các bố mẹ hãy quan sát xem con mình có những dấu hiệu dưới đây không nhé:
1. Trẻ dưới 12 tháng tuổi: không đáp ứng với những âm thanh xung quanh, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ chậm nói sau này.
2. Trẻ 12 - 15 tháng tuổi:
- Không bi bô, bập bẹ được từ nào, chẳng hạn “baba”.
- Không biết làm các động tác vẫy tay, lắc đầu.
- Không hiểu và phản ứng với các từ như “xin chào”, “bai bai”.
- Có thái độ thờ ơ với thế giới xung quanh.
3. Trẻ 15 - 18 tháng tuổi:
- Trẻ phát âm “ê” “a” kéo dài thành một chuỗi âm thanh nhưng không rõ từ.
- Chỉ nói được vài từ đơn: “bố”, “bà”, “ba”.
- Không ghép được 2, 3 từ vào cùng một câu.
4. Trẻ 18 - 24 tháng tuổi:
- Chưa nói được các từ: “mẹ”, “bế”.
- Không thể chỉ vào các bộ phận trên cơ thể như: mắt, mũi, miệng, tai, chân, tay khi được hỏi.
- Không đáp lại bằng lời nói hoặc cử chỉ khi được hỏi.
- Chưa biết ngân nga ê a theo giai điệu các bài hát trẻ thơ đơn giản.
5. Trẻ 2 - 3 tuổi:
- Không thể tự phát âm ra từ mà chỉ bắt chước lại người lớn.
- Chưa thực hiện được những cuộc hội thoại với các câu đơn giản như “Mẹ bế”, “Mẹ đi đâu”, “Bà đi đâu”, “Về đi mẹ”, “Mẹ ơi, iu mẹ”.
- Không nói được tên những con vật, đồ vật xung quanh.
- Chưa trả lời được tên, tuổi của mình .
Trẻ chậm nói gặp khó khăn trong phát âm
6. Trẻ 3 - 4 tuổi: không sắp xếp được trật tự câu và xây dựng được ngữ điệu như người lớn. Trẻ gặp nhiều khó khăn trong đặt những câu hỏi như: Cái gì? Con gì? Tại sao? Ở đâu? Số lượng câu nói ít hơn 8 câu.
7. Trẻ 5 tuổi: vẫn chưa nói được những câu phức tạp, chưa biết kể lại câu chuyện mà mình thích hay là nói về ước mơ trong tương lai với từ “sẽ ”.
Ngoài ra trẻ còn có những biểu hiện như:
• Nhút nhát, sợ sệt khi gặp người lạ.
• Hay đánh bạn hoặc tranh giành đồ chơi với bạn.
Như vậy, muốn phát hiện sớm nhất những dấu hiệu bé chậm nói để có các biện pháp can thiệp phù hợp, bố mẹ hãy luôn quan tâm và dõi theo từng mốc phát triển ngôn ngữ của con nhé!
III. Trẻ chậm nói phải làm sao?
5 năm đầu đời được coi là thời điểm vàng để đánh giá và can thiệp sớm ở trẻ chậm nói. Trẻ không được can thiệp sớm sẽ bị ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp, bày tỏ cảm xúc dẫn đến những hành vi căng thẳng, chống đối mọi người. Điều này tác động tiêu cực đến các mối quan hệ của trẻ với người thân, bạn bè, thầy cô. Vậy nên chắc chắn chậm nói sẽ vô hình biến thành trở ngại lớn trong quá trình khám phá thế giới của trẻ trong tương lai.
Bước đầu tiên khi phát hiện bé có những biểu hiện chậm nói so với bạn bè cùng lứa tuổi. Bố mẹ hãy bình tĩnh để tầm soát nguyên nhân từ đó đưa ra giải pháp đúng đắn nhất cho con mình.
1. Trường hợp chậm nói đơn thuần chỉ mang tính tạm thời (nguyên nhân tâm lý):
Có thể cải thiện tốt khi có sự trợ giúp của gia đình. Một số cách khuyến khích trẻ chậm nói bố mẹ có thể tham khảo như:
• Dành thời gian để kể chuyện, hát, chơi đùa cùng bé mỗi ngày: Hãy nói tên những con vật, đồ vật xung quanh để bé tập ghi nhớ cách phát âm và dần dần có thể học theo và chủ động nói ra từ đó. Bố mẹ đừng quên tặng bé những lời khen để động viên bé như: “Hoan hô”, “Bi nói giỏi quá”. Nên nhớ đây là quá trình lâu dài đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, vì vậy, bố mẹ đừng vội vã và tạo áp lực cho bé nhé!
Đọc sách là phương pháp hữu hiệu cho trẻ chậm nói
• Đọc sách cho bé: Sách là người bạn tuyệt vời giúp trẻ thích thú với việc tìm hiểu thế giới xung quanh. Cần lựa chọn những loại sách phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Bố mẹ cần lưu ý đọc chậm, to, rõ ràng, điều chỉnh giọng điệu trầm bổng để tăng phần thú vị với bé. Ngoài ra, hãy ôm bé trong lòng khi đọc sách để tạo cảm giác ấm áp, tự nhiên khi bé tiếp thu những điều đơn giản nhất như: màu sắc, hình khối, âm thanh...
• Không bắt chước ngôn ngữ của trẻ: trẻ chậm nói thường phát âm không chuẩn, thậm chí nói ngọng nên cha mẹ không nên bắt chước cách nói của trẻ, tránh trường hợp hình thành thói quen khó sửa cho bé.
• Tránh xa các thiết bị điện tử: Không nên cho trẻ xem ti vi, điện thoại quá nhiều. Việc tập trung cao độ và liên tục vào các thiết bị điện tử khiến trẻ giảm khả năng xây dựng phản xạ ngôn ngữ.
Ngoài xây dựng môi trường để bé có cơ hội học nói, bố mẹ cần bổ sung một số dưỡng chất tốt cho não bộ, đặc biệt là DHA. Vì đây là acid béo thiết yếu nhất tham gia vào cấu tạo, biệt hóa tế bào não, kích thích khả năng ghi nhớ, tập trung, phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ. Do đó, việc bổ sung DHA cho bé hàng ngày được cho là liệu pháp bổ sung và thay thế hữu hiệu với trẻ chậm nói hiện nay.
2. Trường hợp trẻ chậm nói liên quan đến tình trạng bệnh lý như tự kỷ, giảm thính lực...
Để mang lại hiệu quả tốt nhất, cần ưu tiên điều trị yếu tố nguyên nhân, đồng thời phối hợp với việc hỗ trợ luyện tập nói cho trẻ. Ví dụ: Trẻ bị vấn đề về thính lực do viêm tai giữa. Cần điều trị viêm tai giữa để nâng sức nghe cho trẻ - yếu tố tiền đề giúp bé luyện nói tốt hơn (nghe tốt dẫn đến nhận thức tốt, nói tốt).
Như vậy, bài viết trên đã cung cấp đầy đủ thông tin về nguyên nhân, biểu hiện và các hướng can thiệp cần thiết ở trẻ chậm nói. Nếu thắc mắc hoặc cần được tư vấn thêm, các bố mẹ có thể liên hệ hotline 0928 138 111 để nhận hỗ trợ 24/7 từ chuyên gia nhé!
Tham vấn Y khoa: Đội ngũ Bác sĩ, Dược sĩ Fitolabs.