Hướng dẫn chi tiết cách điều trị và chăm sóc trẻ em bị viêm dạ dày HP | Fitolabs
“Viêm dạ dày HP” là cái tên được các mẹ thường gọi cho căn bệnh viêm loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP). Trẻ em bị viêm dạ dày HP thường ăn uống kém, hay bị đau bụng, nôn trớ nhiều dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh có thể biến chứng nguy hiểm. Cùng tham khảo phác đồ của bộ Y tế khuyến cáo qua bài viết sau đây.
I - Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) lây nhiễm qua con đường nào?
Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là xoắn khuẩn có roi gram-âm, tìm thấy trong và bên dưới lớp niêm của thượng bì dạ dày. HP có thể tồn tại trong môi trường của acid dạ dày gây ra tình trạng viêm loét dạ dày.
Vi khuẩn HP tấn công niêm mạc dạ dày tạo thành những ổ viêm loét
Vi khuẩn HP lây nhiễm chủ yếu qua đường tiêu hóa. Các yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ bị nhiễm vi khuẩn này là:
Trong gia đình có người bị nhiễm vi khuẩn HP
Dùng chung bát, đũa, thìa, bàn chải đánh răng với người bị nhiễm
Thói quen mớm cơm, hôn môi trẻ
Dùng chung các thiết bị y tế nội soi dạ dày, soi tai mũi họng với người bị nhiễm HP
II - Dấu hiệu nhiễm HP ở trẻ
Trẻ có nguy cơ bị viêm loét dạ dày từ rất sớm nếu không may bị lây nhiễm vi khuẩn HP từ người lớn.
Lúc này, trẻ có những dấu hiệu điển hình như sau:
Đau bụng thường xuyên, nhất là khi đói hoặc khi vừa ăn no, vị trí đau thường là vùng thượng vị hoặc quanh rốn (khác so với người lớn)
Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng
Nóng rát vùng ngực và hầu họng
Trẻ bị nóng rát vùng ngực do trào ngược acid dịch vị dạ dày
Viêm loét miệng
Buồn nôn, nôn ói
Chán ăn, mệt mỏi
Sụt cân
III - Trẻ em bị HP dạ dày có nguy hiểm không
Đa phần trẻ bị nhiễm HP đều không có triệu chứng. Khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng mới phát triển mạnh và gây tổn thương, viêm loét tại chỗ niêm mạc dạ dày.
Nếu không điều trị, vi khuẩn sẽ ngày một phát triển và có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm đối với trẻ như:
Hẹp môn vị
Xuất huyết tiêu hóa
Thủng dạ dày
Ung thư dạ dày
Viêm loét dạ dày có nguy cơ biến chứng thành ung thư dạ dày
Tuy nhiên trong một số trường hợp vi khuẩn HP còn chưa gây hại gì cho dạ dày, các bác sĩ sẽ cân nhắc và tư vấn cho người nhà của bé là có nên điều trị hay không. Do đó, quan trọng nhất là bố mẹ phải đưa bé đi khám ngay khi trẻ có những dấu hiệu của bệnh.
IV - Cách điều trị viêm dạ dày HP theo hướng dẫn của Bộ Y tế
1. Phương pháp chẩn đoán chính xác trẻ nhiễm vi khuẩn HP
Cần làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác trẻ nhiễm vi khuẩn HP trước khi điều trị
Phác đồ điều trị viêm dạ dày HP chỉ được thực hiện khi chẩn đoán chính xác dạ dày bé có tổn thương và dương tính (+) với vi khuẩn HP. Các bác sĩ có thể yêu cầu làm một số xét nghiệm trong các xét nghiệm dưới đây:
Nội soi xác định tổn thương dạ dày và lấy mẫu bệnh học xét nghiệm vi sinh để tìm vi khuẩn HP, nuôi cấy
Test nhanh Urease
Test hơi thở
Xét nghiệm phân tìm vi khuẩn HP
2. Phác đồ sử dụng thuốc điều trị viêm dạ dày HP ở trẻ em do Bộ Y tế hướng dẫn
Trẻ <8 tuổi:
Amoxicillin + Clarithromycin + PPI
Amoxicillin + Metronidazole + PPI
Trẻ >8 tuổi:
Amoxicillin + Clarithromycin + PPI
Amoxicillin + Metronidazole + PPI
Tetracyclin ( hoặc) Doxycyclin + Metronidazol + PPI (Trẻ đã thay hết răng)
Một số loại thuốc kháng sinh thường sử dụng
Liều dùng cụ thể của các loại kháng sinh điều trị viêm dạ dày do HP:
- Amoxicillin : 50 mg/kg/ngày
- Clarithromycin : 20 mg/kg/ngày
- PPI (omeprazole): 1 mg/kg/ngày
- Metronidazol : 20 mg/kg/ngày
- Tetracyclin : 50 mg/kg/ ngày
- Doxycyclin : 5 mg/kg/ngày
Đánh giá hiệu quả diệt H. Pylori:
- Tiến hành sau khi:
- Dừng kháng sinh ≥4 tuần
- Dừng PPI ≥2 tuần.
- Phương pháp: Test thở C13 hoặc Test phân
- Kết quả:
- Nếu test (-): sạch vi khuẩn
- Nếu (+): còn vi khuẩn, phác đồ thất bại.
Trường hợp điều trị thất bại:
Nếu bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng: cần theo dõi và hẹn khám lại định kỳ.
Nếu bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng: bệnh nhân được tiến hành nội soi dạ dày, urease test, mô bệnh học, nuôi cấy HP và làm kháng sinh đồ.
- Nếu cấy H.pylori (+) và làm được kháng sinh đồ: điều trị theo kháng sinh đồ: kết hợp 2 loại kháng sinh nhạy cảm + PPI trong 2 tuần.
- Nếu cấy H.pylori (-):
- Thay kháng sinh khác loại kháng sinh đã dùng trong phác đồ 1
- Tăng liều
- Kéo dài thời gian điều trị
- Phối hợp Bismuth
V - Cách chăm sóc trẻ em bị viêm dạ dày HP ngay tại nhà
1. Chế độ ăn uống
Kiêng đồ chua, cay, nóng
Đồ ăn cay nóng có thể làm nặng thêm tình trạng viêm loét dạ dày
Cho trẻ ăn đồ mềm, nhừ
Chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa giúp trẻ không bị quá no hoặc quá đói
Cho trẻ ăn thêm các thực phẩm chứa kẽm, vitamin A, K, giúp nhanh chóng phục hồi vết loét dạ dày do vi khuẩn HP
2. Chế độ sinh hoạt
Tập cho trẻ thói quen ăn uống tập trung, tránh vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại
Sau khi ăn nên ngồi im một chỗ nghỉ ngơi khoảng 30 phút
Phân bố thời gian học tập, nghỉ ngơi hợp lý cho trẻ để tránh việc trẻ bị căng thẳng quá mức
Cho trẻ ngủ đúng giờ, đủ giấc
VI - Cách phòng tránh nhiễm khuẩn HP cho trẻ mẹ nhất định phải thực hiện
Hạn chế dùng chung dụng cụ ăn uống trong gia đình như chung bát nước chấm, hạn chế gắp thức ăn cho nhau.
Lưu ý khi cho trẻ ăn uống tại các hàng quán ven đường vì thức ăn và dụng cụ ăn uống có thể không đảm bảo vệ sinh.
Nên diệt trừ ruồi, muỗi, gián, chuột; giữ gìn vệ sinh chén đũa sạch sẽ, ngâm các dụng cụ ăn uống trong gia đình trong nước sôi.
Không hôn trực tiếp lên miện trẻ, không mớm đồ ăn cho trẻ.
Hôn môi trẻ có thể gây lây nhiễm vi khuẩn HP từ người lớn sang trẻ
Không nên trộn đồ ăn cho trẻ nhỏ bằng đũa của mình.
Các vật nuôi như chó, mèo cũng là nguồn lây nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori nên cần vệ sinh sạch sẽ cho thú cưng.
Hạn chế ăn đồ sống như rau sống, gỏi hay thức ăn lên men như mắm tôm, mắm ruốc vì các loại thực phẩm này thường không được vệ sinh sạch sẽ, dễ gây các bệnh đường tiêu hóa, trong đó có nhiễm khuẩn HP.
Hy vọng rằng bài viết trên đã cung cấp được những thông tin bổ ích giúp bố mẹ sẽ đỡ phần nào bối rối nếu trẻ không may bị viêm dạ dày HP. Liên hệ với chuyên gia của Fitolabs Baby theo Hotline 0928138111 để được tư vấn cụ thể hơn về tình trạng của bé nhà mình bố mẹ nhé!