5 bí mật ít người biết về nôn trớ ở trẻ sơ sinh | Fitolabs
Nôn trớ ở trẻ sơ sinh là hiện tượng phổ biến mà hầu như trẻ nào cũng từng trải qua. Nó có thể chỉ là một hiện tượng sinh lý bình thường, cũng có thể là biểu hiện của một bệnh lý nguy hiểm. Bài viết sau đây sẽ bật mí cho cha mẹ những thông tin quan trọng về tình trạng nôn trớ ở trẻ sơ sinh mà không phải ai cũng biết, từ đó giúp bố mẹ biết cách xử trí khi bé nhà mình gặp phải tình trạng này.
I - Nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ sơ sinh
Nôn trớ là hiện tượng thức ăn, dịch dạ dày di chuyển ngược lên trên theo ống thực quản. Trẻ sơ sinh rất hay gặp tình trạng này, biểu hiện là trẻ bị trào sữa qua đường miệng. Nó có thể chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường và nếu biết cách chăm sóc đúng cách có thể ngăn ngừa được tình trạng này. Nhưng đôi khi, trẻ nôn trớ kèm theo các triệu chứng khác, báo hiệu một vấn đề bất thường về sức khỏe.
1. Nguyên nhân sinh lý
Trẻ sơ sinh nôn trớ có thể đơn giản chỉ do các nguyên nhân sinh lý như:
Dạ dày trẻ nằm ngang, thức ăn là sữa - chất lỏng dễ bị trào ngược lên trên
Cơ vòng thực quản của trẻ yếu, trong khi cơ môn vị lại đóng chặt hơn so với người lớn, thức ăn không di chuyển xuống ruột được, gây áp lực lên dạ dày khiến trẻ bị nôn trớ
Trẻ ăn quá no
Trẻ bị rung lắc nhiều sau khi ăn no
Đùa giỡn quá mức khi trẻ vừa ăn no có thể gây hiện tượng nôn trớ ở trẻ
Lúc này, trẻ có hiện tượng nôn trớ nhưng sau đó vẫn vui chơi và ăn bình thường. Bố mẹ không cần quá lo lắng trong trường hợp này.
2. Nguyên nhân bệnh lý
Trẻ mắc 1 số bệnh lý sau đây có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu hóa hoặc kích thích gây nôn trớ ở trẻ.
Viêm dạ dày ruột: Đây là bệnh nhiễm trùng đường ruột, nguyên nhân do virus hoặc vi khuẩn, có thể gây nôn trớ kèm theo tiêu chảy
Dị ứng sữa: Trẻ sơ sinh có thể gặp nôn trớ do dị ứng sữa, phổ biến nhất là tình trạng dị ứng đạm sữa bò. Trẻ có thể có thêm các triệu chứng khác như nổi mẩn đỏ, ngứa trên da, sưng mặt, quanh mắt, môi, lưỡi hoặc vòm miệng.
Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột: Khi hại khuẩn đường ruột chiếm ưu thế hơn so với lợi khuẩn sẽ gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, nôn trớ ở trẻ sơ sinh
Các bệnh nhiễm trùng ngoài ruột: Nôn trớ đôi khi là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng ngoài đường tiêu hóa như: nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng tai giữa, viêm phổi, viêm màng não.
Trào ngược dạ dày thực quản: Là hiện tượng acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản, hầu, họng, gây ra cảm giác buồn nôn, nôn trớ ở trẻ.
Nếu trẻ nôn từ 3 lần trở lên trong ngày, bố mẹ cần chú ý quan sát thêm những triệu chứng khác ở bé, vì có thể trẻ đang gặp một tình trạng bệnh lý nào đó.
II - Trẻ sơ sinh nôn trớ có nguy hiểm không?
Trẻ bị nôn trớ do nguyên nhân sinh lý thì không nguy hiểm, có thể tự hết sau vài ngày đến vài tuần. Nhưng nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, với số lần nôn trớ nhiều hơn 3 lần mỗi ngày, trẻ có thể sẽ bị mất nước và điện giải. Nếu không được bổ sung kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho trẻ. Nôn cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý, trẻ có thể đang gặp 1 bệnh lý nghiêm trọng nào đó. Bố mẹ không nên chủ quan. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở trẻ, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám kịp thời.
>> Xem thêm: Trẻ nôn trớ nhiều lần có nguy hiểm không?
III - Bố mẹ cần làm gì khi trẻ sơ sinh bị nôn trớ
Trẻ sơ sinh bị nôn trớ cần được bù nước bằng cách cho bú nhiều hơn hoặc cho uống dung dịch điện giải Oresol khi cần thiết.
Cách nhận biết trẻ sơ sinh bị mất nước:
Nước tiểu màu vàng sẫm
Miệng, lưỡi trẻ rất khô
Trẻ khóc nhưng không ra nước mắt
Nghiệm pháp: Nhấn vào móng tay trẻ cho nhạt đi, sau đó buông tay, đếm số giây để móng tay hồng trở lại. Nếu thời gian lâu hơn 2 giây, chứng tỏ trẻ có dấu hiệu mất nước
Cần bù nước cho trẻ khi nôn trớ để tránh những hậu quả nghiêm trọng do mất nước
Cách cho bú khi trẻ bị mất nước:
Nếu trẻ nôn 1 lần, cứ 1 đến 2 giờ cho bú 1 lần với lượng sữa bằng nửa cữ bình thường
Nếu nôn nhiều hơn 1 lần, cho trẻ bú 5 phút sau mỗi 30 đến 60 phút. Sau 4 giờ mà không nôn thì trở lại bú bình thường
Nếu vẫn tiếp tục bị nôn, nên sử dụng sữa mẹ đã vắt sẵn, cho trẻ dùng 1-2 muỗng cà phê (5-10ml) sau mỗi 5 phút, hoặc mẹ có thể dùng xi lanh để bơm sữa vào miệng trẻ.
Sau 4 giờ mà trẻ không bỏ bú, trở lại ti mẹ trực tiếp. Mẹ có thể cho trẻ bú các cữ nhỏ 5 phút sau mỗi 30 phút.
Nếu trẻ nôn nhiều hơn và không chịu bú, mẹ cần cho trẻ bổ sung nước và điện giải bằng dung dịch Oresol.
Bố mẹ pha dung dịch Oresol theo tỉ lệ được hướng dẫn trên tờ thông tin sản phẩm. Sau đó cho trẻ uống 5-10ml sau mỗi 5 phút và tăng gấp đôi nếu sau 4 giờ trẻ không cải thiện.
>> Xem thêm: Thuộc lòng 5 bước xử trí khi bé nôn trớ
IV - Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Cần đưa trẻ đi khám khi có những dấu hiệu nguy hiểm để được điều trị kịp thời
Trẻ sơ sinh bị nôn trớ hầu hết có thể tự chăm sóc tại nhà, tuy nhiên trong một số trường hợp nguy hiểm bố mẹ nên đưa trẻ tới khám tại cơ sở y tế:
Trẻ nôn trớ liên tục và không thể bù nước
Trẻ có các triệu chứng mất nước
Dịch nôn trớ có màu xanh lá cây hoặc có máu
Trẻ bị nôn trớ trong hơn một hoặc 2 ngày không đỡ
V - Cách phòng tránh tình trạng nôn trớ ở trẻ sơ sinh
Để phòng tránh nôn trớ ở trẻ sơ sinh, bố mẹ có thể tham khảo các biện pháp sau:
Không cho trẻ ăn quá no
Nên cho trẻ nằm ở tư thế đầu cao hơn người khi bú
Vỗ ợ hơi cho trẻ thường xuyên
Không đùa giỡn với trẻ khi vừa ăn no
Cho trẻ đi nhỏ vắc xin Rotavirus theo đúng khuyến cáo
Tăng sức đề kháng cho trẻ để phòng tránh những bệnh nhiễm trùng
Qua bài viết trên, chắc chắn bố mẹ đã biết thêm nhiều thông tin hữu ích để xử trí đúng cách khi bé bị nôn trớ. Để được chuyên gia của Fitolabs Baby tư vấn kỹ hơn về tình trạng của bé, bố mẹ hãy liên hệ ngay Hotline 0928138111 nhé.